Tin tức Ngành Logistics

Động lực mới thúc đẩy logistics ASEAN

Việc khai trương trạm trung chuyển mới của đường sắt Trung Quốc - Lào sẽ cải thiện hiệu quả vận tải hàng hóa giữa Trung Quốc và ASEAN, theo ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Trạm trung chuyển mới của đường sắt Trung Quốc - Lào vừa được đưa vào hoạt động tại ga Vientiane South hôm 1/7. Việc hoàn thành nhà ga đánh dấu sự kết nối của đường sắt Trung Quốc, Lào và Thái Lan.

Một chuyến tàu vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào, đến Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 10/5. Ảnh: Cnsphoto

Một chuyến tàu vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào, đến Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 10/5. Ảnh: Cnsphoto

"Trong tương lai, tàu chở hàng xuyên biên giới của tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào có thể đến một số thành phố và trung tâm phân phối logistics được kết nối với tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu. Trong khi đó, về phía nam, các chuyến hàng có thể đến Thái Lan, Malaysia và Singapore", ông Triệu lưu ý.

Thông xe từ tháng 12 năm ngoái, tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào là một dự án chất lượng cao mang tính bước ngoặt trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường.

Tính đến ngày 30/6, tuyến đường sắt xuyên biên giới này đã vận chuyển 4 triệu hành khách và khoảng 5 triệu tấn hàng hóa, gồm 0,8 triệu tấn hàng hóa xuyên biên giới.
Hơn 20 tỉnh, thành phố của Trung Quốc cùng tham gia vận hành. Kết quả là vận chuyển thành công hơn 100 loại hàng hóa như trái cây, sản phẩm quang điện và điện tử đến hơn 10 quốc gia và trong khu vực dọc tuyến đường.
Ông Triệu thông tin: "Đường sắt Trung Quốc - Lào đã trở thành một động lực thúc đẩy kết nối khu vực, hợp tác kinh tế. Đây cũng là một ví dụ sinh động về sự hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN nhằm thúc đẩy BRI (một vành đia, một con đường) chất lượng cao".

Từ khi BRI được đưa vào vận hành, Trung Quốc hình thành hơn 3.000 dự án hợp tác với 149 quốc gia và khu vực, 32 tổ chức quốc tế với quy mô đầu tư khoảng 1.000 tỷ USD. "Chúng tôi hoan nghênh nhiều quốc gia và khu vực tham gia hợp tác BRI và chia sẻ các cơ hội và lợi ích do tăng cường kết nối mang lại", ông Triệu nói.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết sẽ sẵn sàng làm việc với các thành viên của Hợp tác Lancang - Mekong (LMC) để thực hiện các thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Lancang - Mekong lần thứ 7 tại Myanmar. Ngoài ra, các bên sẽ cùng xây dựng các dự án hợp tác BRI chất lượng cao.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Lào - Trung khai trương ngày 3/12/2021, đánh dấu một bước phát triển nhảy vọt theo hướng hiện đại hóa của Lào. Tuyến đường sắt với chiều dài hơn 1.000 km nối thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với thủ đô Vientiane của Lào. Đoạn chạy trên đất Lào dài 414 km, nối Vientiane với thị trấn biên giới Boten.

Chuyên gia kinh tế Burin Adulwattana của Ngân hàng Bangkok nhận định tuyến đường sắt tốc độ cao Lào - Trung có thể là "yếu tố thay đổi cuộc chơi" trong lĩnh vực kinh tế, cho rằng dự án sẽ mang lại lợi ích cho cả Bắc Kinh và Vientiane, dù một số người lo ngại nó có thể làm tăng nợ nước ngoài của Lào.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Lào - Trung được khởi công năm 2016, chủ yếu do Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc (CNRG) thi công với 75 đường hầm, 167 cây cầu và 10 ga. Các đoàn tàu điện động lực phân tán (EMU) chạy trên tuyến có thể chở tới 720 người và đạt tốc độ 160 km/h.

Dự án hoàn thành sau 5 năm thi công. Trung Quốc nắm 70% cổ phần trong công ty liên doanh đường sắt với Lào vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao.

Nguồn Vnexpress

Hãy liên lạc với chúng tôi cho tất cả các nhu cầu của bạn.